4h sáng nay (22/7) tâm bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 140 km về phía Tây Tây Nam, cách Hải Phòng khoảng 70 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 80 km về phía Đông Đông Bắc, cách Ninh Bình khoảng 110 km về phía Đông Bắc. Bão vẫn giữ cường độ mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Khoảng trưa đến chiều nay (22/7) vùng tâm bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên: Gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; Ven biển Ninh Bình: Gió cấp 8-9, giật cấp 13; Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc): Gió cấp 7-8, giật cấp 8-9; Hà Nội: Trưa và chiều có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Dự báo khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác của Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với tổng lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Khu vực ven biển và cửa sông từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có nguy cơ ngập úng. Mưa lớn cũng gây nguy cơ ngập úng, thiệt hại tại các vùng trũng thấp các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ…
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 đang tiến gần đất liền, có khả năng gây mưa lớn kéo dài, ngập úng, gió mạnh, sạt lở đất và mất an toàn điện lưới, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Hạ Bằng khuyến cáo toàn thể Nhân dân trên địa bàn xã nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin thời tiết, cảnh báo mưa bão được phát trên loa truyền thanh, đài phát thanh – truyền hình và các phương tiện thông tin chính thống để có hướng ứng phó kịp thời. Khi mưa bão xảy ra, người dân tuyệt đối không đi lại ngoài đường, không qua các khu vực ngập sâu, không tiếp cận cột điện, đường dây điện bị đổ, đứt. Tuyệt đối không đánh bắt cá, vớt củi hay hoạt động ngoài trời trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn lương thực, nước sạch, đèn pin, thuốc men, các vật dụng cần thiết đề phòng bị cô lập hoặc mất điện kéo dài.
Trong tình huống khẩn cấp, người dân cần giữ bình tĩnh, chủ động liên hệ với chính quyền hoặc lực lượng hỗ trợ để được giúp đỡ. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, vật tư để sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn cho Nhân dân.
UBND xã chỉ đạo Phòng Kinh tế: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời tham mưu cho UBND xã các Văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất và các thiên tai khác; tổng hợp tình hình thiệt hại (nếu có) báo cáo UBND xã và Ban chỉ huy PCTT & TKCN Thành phố theo quy định.
Chỉ đạo lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê, lực lượng trực điểm canh đê thực hiện nghiêm việc trực 24/24h, thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ công trình theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, công trình thuỷ lợi.
Sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai, sự cố, vật tư, phương tiện, lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động triển khai ứng phó khi thiên tai xảy ra. Phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Thạch Thất tăng cường kiểm tra công trình thuỷ lợi phục vụ tiêu thoát úng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình đang thi công để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Đối với Ban Chỉ huy Quân sự, Công an xã:
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai để kịp thời tham mưu chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên bảo cáo về UBND xã để theo dõi, chỉ đạo.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các khu vực trũng thấp, khu vực ngập sâu, nước chảy siết, khu vực có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không đảm bảo an toàn.
Chủ động về lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, hỗ trợ các thôn thực hiện công tác sơ tán Nhân dân khi có tình huống xảy ra; chủ động hướng dẫn, điều tiết giao thông theo diễn biến thực tế của mưa lớn, ngập úng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp tình hình thiệt hại sự cố (nếu có) báo cáo kịp thời UBND xã, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố theo quy định.
UBND xã đặc biệt chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, thôn xóm tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh.
Bão là hiện tượng thiên tai nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể giảm nhẹ thiệt hại nếu mỗi người dân nâng cao ý thức phòng tránh, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, UBND xã Hạ Bằng đề nghị toàn thể Nhân dân chung tay, phối hợp cùng chính quyền, quyết tâm vượt qua mưa bão một cách an toàn và hiệu quả.